1. Vì sao nên nấu chè đậu xanh nguyên vỏ?

Khi nấu chè đậu xanh một số người chỉ thích hoặc chỉ chọn món chè đậu xanh nấu từ đậu đã cà vỏ. Trong khi đó, vỏ đậu xanh mới thực sự có tác dụng trong việc giải độc. Cụ thể, lớp vỏ ngoài của hạt đậu có những tác dụng tốt như sau:

  • Trong vỏ đậu xanh có chứa nhiều hoạt chất thuộc nhóm flavonoid giúp ức chế của các tế bào ung thư.
  • Vỏ hạt đậu xanh còn là thực phẩm giàu chất xơ hòa tan giúp lấy đi những chất béo thừa trong cơ thể.
  • Những người bị tiểu đường nếu sử dụng đậu xanh cả vỏ đủ và đúng cách sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn.
  • Vỏ hạt đậu xanh còn chứa nhiều kali, có vị ngọt, tính mát giúp thanh nhiệt và giải độc rất tốt.
  • Ngoài ra, lớp vỏ còn chứa protid, rất nhiều vitamin E, B1, tiền vitamin K…

Chính vì nhiều lợi ích lớp vỏ đậu xanh mang lại, thay vì chỉ chọn nấu chè từ đậu không vỏ, chúng ta nên thường xuyên kết hợp cách nấu chè đậu xanh có vỏ. Cách nấu này xen kẽ sẽ góp phần mang đến món ngon lành mạnh, tốt hơn cho sức khỏe.

hạt đậu xanh còn vỏ
Khi nấu đậu xanh, nên dùng cả lớp vỏ ngoài cùng để đảm bảo dinh dưỡng. Ảnh: Internet

2. Top 2 cách nấu chè đậu xanh có vỏ truyền thống dễ nhất

Khi nấu chè đậu xanh nguyên vỏ chúng ta đỡ tốn thời gian hơn nhờ không cần làm công đoạn đãi vỏ. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, để chén chè bắt mắt, mềm và ngon hơn thì trong cách nấu chè đậu xanh có vỏ cần lưu ý một vài công đoạn khác. Chi tiết như hướng dẫn sau.

2.1. Cách nấu chè đậu xanh còn vỏ đơn giản nhất

Nếu bạn là người lần đầu vào bếp nấu chè thì cách nấu sau đây là một gợi ý tốt nhất.

2.1.1. Nguyên liệu cần có

  • 300 gram đậu xanh còn vỏ
  • 200 gram đường phèn
  • Muối
  • Một ống vani
  • Nước nóng

2.1.2. Các bước nấu chè đậu xanh có vỏ

Bước 1: Nấu đậu xanh

  • Cho đậu xanh đã rửa sạch vào nồi. Chêm nước lọc lấp xấp mặt hạt đậu và bật bếp nấu với lửa lớn.
  • Nấu đến khi thấy gần cạn nước, đậu xanh trong nồi hơi khô, thì chêm thêm một chút nước nóng vào góc nồi. Tiếp tục đun với lửa lớn đến khi nước cạn lại cho thêm nước lọc lấp xấp vào. Lặp lại như vậy cho đến khi đậu chín mềm thì tắt bếp. Lưu ý, trong quá trình nấu nhớ thỉnh thoảng xóc đậu lên để hạt đậu được chín đều.

Bước 2: Nấu nước đường

  • Cho 200 gram đường phèn và nửa chén nước lọc, nửa muỗng cà phê muối vào nồi khác. Bật bếp, đun sôi, đường tan hết thì tắt bếp.
  • Đổ nước đường vào phần đậu đã nấu mềm ở trên. Bật lại bếp nấu đậu với lửa nhỏ, vừa đổ nước đường vừa khuấy cho đường tan hết. Nếu có thời gian, bạn tắt bếp, để ít phút cho đậu ngấm đường sẽ ngon hơn. Nếu muốn ăn liền thì bạn tiếp tục luôn bước sau.
  • Cuối cùng cho thêm vào 1 ống vani vào khuấy đều và tắt bếp.
  • Múc chè đậu xanh ra bát hoặc cốc và thưởng thức khi nóng. Nếu muốn ăn lạnh bạn chờ nguội hẳn và cho thêm chút đá bào vào rồi dùng.

Lưu ý: Với cách nấu chè đậu xanh có vỏ này thì bạn không cần ngâm đậu qua đêm trước khi nấu. Mặc dù ngâm sẽ làm đậu mềm, nhưng nhưng khi ăn thì đậu sẽ không được ngon.

Hầm đậu xanh
Với cách nấu trực tiếp không nêm ngâm đậu xanh để tránh hạt bị nát, mất vị ngon. Ảnh: Youtube

2.2. Cách nấu chè đậu xanh nguyên vỏ với nước cốt dừa béo bùi

Để đổi vị, bạn có thể tham khảo cách nấu chè đậu xanh nguyên vỏ cùng nước cốt dừa. Món chè này ngon, ngọt và có vị béo bùi dễ ăn hơn.

3.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 500 gram đậu xanh nguyên hạt
  • Đường phèn hoặc đường cát tùy thích
  • Một chén nước cốt dừa nhất, hai chén nước cốt dão
  • Một muỗng bột năng
  • Một bó lá dứa
  • Đậu phộng rang
  • Muối
nguyên liệu nấu chè đâu xanh nguyên hạt
Có thể kết hợp với lá dứa, nước cốt dừa khi nấu chè đậu xanh nguyên hạt. Ảnh: Youtube Thanh Tâm

3.2. Cách nấu chè đậu xanh có vỏ kèm nước cốt dừa

Bước 1: Nấu đậu xanh

  • Đậu xanh mua về rửa sạch với nước, bỏ đi những hạt lép hay bị sâu mọt, ngâm khoảng 4 tiếng để đậu được nở.
  • Cho đậu vào nồi đổ nước lấp xấp, không đậy nắp rồi nấu với lửa lớn đến khi sôi thì vớt hết bọt bỏ đi rồi đậy nắp lại nấu với lửa nhỏ trong 15 phút.
  • Tắt bếp ủ đậu trong nồi khoảng 20 phút.
  • Khi đậu cạn nước thì cho đường, nửa muỗng cà phê muối vào nấu với lửa nhỏ đến khi đường tan. Trong quá trình nấu tuyệt đối không dùng đũa quấy để tránh đậu sẽ bị nát.
  • Khi đậu đã ngấm đường, hạt đậu hơi cứng lại thì dùng muỗng đảo nhẹ tay xới đậu lên rồi tắt bếp.
nấu đậu xanh
Đậu xanh nguyên hạt nấu nở bung, giàu dinh dưỡng hơn. Ảnh: Youtube Thanh Tâm

Bước 2: Nấu nước cốt dừa

  • Cho hai chén nước cốt dão, hai muỗng đường, nửa muỗng cà phê muối, 1 muỗng bột năng vào nồi. Khuấy đều tay không được ngưng cho bột tan ra và không bị vón cục.
  • Tiếp tục cho lá dứa vào, bỏ lên bếp nấu. Khi nấu, bạn khuấy, nước cốt dão sôi thì cho nước cốt nhất vào. Tiếp tục khuấy cho nước sôi trở lại thì tắt bếp.
  • Múc đậu xanh ra chén, cho nước cốt dừa, một chút đậu phộng rang lên trên và thưởng thức.
các bước nấu chè đậu xanh nguyên cả vỏ
Các bước để nấu chè đậu xanh nguyên cả vỏ ngon, bùi, hạt đậu mềm, không bị nát. Ảnh: Youtube

3. Một số mẹo để nấu đậu xanh có vỏ nhanh mềm

Để làm hạt đậu mềm nhanh, tiết kiệm thời gian trong cách nấu chè đậu xanh có vỏ bạn có thể thực hiện một số mẹo sau nhé.

  • Đậu xanh sau khi mua về, rửa sạch, cho vào tô và đổ nước ngập. Cho tô đậu xanh ngâm nước vào trong ngăn đá tủ lạnh. Đến lúc nấu lấy chén đậu ra cho vào nồi nước đang sôi. Chỉ sau 2 phút các hạt đậu sẽ nở hết.
  • Đậu xanh sau khi mua về, rửa sạch, rồi cho vào nồi rang với lửa lớn. Đến khi hạt đậu khô thì cho nước lạnh vào nồi đậu rang. Tiếp tục đun đến khi nước sôi, nấu thêm khoảng 2 phút thì đậu xanh sẽ nở ra.

Chè đậu xanh có vỏ chứa nhiều chất hơn, vì thế món chè giữ lại được nhiều dinh dưỡng. Ngoài hai cách nấu chè đậu xanh có vỏ ở trên bạn có thể tham khảo thêm cách nấu chè đậu xanh nha đam, chè đậu xanh khoai lang như Cachnau.vn đã chia sẻ để làm phong phú thêm thực đơn món chè đậu xanh lành mạnh ngon miệng cho gia đình nhé.

Đức Lộc