Nam Bộ, đặc biệt miền Tây Nam Bộ là “quê hương” của rất nhiều món chè trứ danh. Và một trong số đó phải kể đến chè chuối, món ăn làm “xiêu lòng” biết bao thực khách bởi cái vị ngọt đặc trưng, đậm đà. Và đâu đó người ta cũng cảm nhận được cái cái tình, nét phóng khoáng của người dân Nam Bộ qua từng món ăn.

Có thể bạn chưa biết cách nấu chè chuối miền Nam rất đơn giản, chỉ với những nguyên liệu dễ là bạn sẽ có ngay món chè chuối thơm ngon khó cưỡng, ai ăn cũng mê. 

1. Đặc điểm của món chè chuối miền Nam

Không chỉ ngon, chuối còn nhiều dinh dưỡng và mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đây là thực phẩm rất quen mặt trong ẩm thực miền Nam. 

Chè chuối miền Nam mang cái vị ngọt đặc trưng nhưng không ngán. Cái ngọt thanh của chuối đã được trung hòa với một chút mằn mặn, béo ngậy của nước cốt dừa. Người ta còn kết hợp thêm rất nhiều nguyên liệu khác tùy sở thích như khoai mì, đậu xanh, bột báng,… Bột báng thì dai dai, khoai mì dẻo, khoai lang bùi bùi,.. tất cả đã tạo nên một món ăn hết sức lạ miệng, khó mà cưỡng lại. Với mỗi một loại khoai kết hợp, ta sẽ được một công thức và thành phẩm riêng. Do vậy mà cách nấu chè chuối miền Nam hết sức đa dạng và phong phú. 

Cách ăn món chè chuối miền Nam cũng khác với nhiều loại chè khác. Nhiều loại chè thường sẽ ăn với đá nhưng chè chuối miền Nam sẽ ăn nóng hoặc để nguội để giữ được độ ngọt, béo của chè.

Chè chuối miền Nam
Chè chuối miền Nam thường nấu với bột báng và bột khoai. Ảnh: Internet

2. 2 cách nấu chè chuối miền Nam thơm ngon khó cưỡng

2.1. Cách nấu chè chuối miền Nam với khoai lang

Nói đến chè chuối miền Nam mà bỏ qua chè chuối chưng này thì quả là một thiếu sót lớn.  

2.1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Chuối xiêm chín: 5-6 quả
  • Dừa nạo: 300gr-400g
  • Khoai lang: 1 củ
  • Bột báng: 1/3 chén
  • Đậu phộng: 100g
  • Đường vàng: 1/2 chén
  • Muối: một ít
Thái chuối
Bạn cần chuẩn bị 5-6 quả chuối xiêm. Ảnh: Internet

2.1.2. Cách nấu chè chuối chưng bột báng

  • Chuối lột vỏ, bỏ hết các đường gân để không bị chát, ngâm với nước muối khoảng 5 phút.
  • Cắt khúc vừa ăn và ướp thêm một ít đường.
  • Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch và ngâm trong nước 10-15 phút để ra hết nhựa. Sau đó cắt khúc vừa ăn. Phần khoai này đem luộc hoặc hấp cách thủy.
  • Bột báng đem ngâm trong nước ấm khoảng 15-20 phút cho nở ra trước khi nấu.
  • Trong thời gian chờ, bạn lấy đậu phộng đem rang và giã làm đôi hoặc giã nhuyễn tùy theo sở thích.
  • Dừa nạo đem vắt lấy nước cốt nhất và nhì. 
  • Pha thêm nước vào phần nước cốt nhì để được khoảng 1 lít nước. Cho thêm một ít muối và đường
  • Cho bột báng vào phần nước cốt đã pha loãng ở trên rồi đem nấu ở lửa vừa. Trong quá trình nấu, bạn nên đảo đều để tránh bột báng bị khét.
  • Nấu đến khi bột báng trong và chín thì cho thêm chuối, khoai lang.
  • Cho phần nước cốt dừa nhất vào nồi. Nêm thêm đường cho vừa ăn. Tiếp tục đun trong  khoảng 10 phút rồi tắt bếp.
  • Múc chè ra bát và rắc thêm tí đậu phộng hoặc dừa bào sợi. Ăn khi nóng hoặc để nguội.  
Chè chuối sau khi thành phẩm
Ngoài đậu phộng, bạn có thể ăn kèm với dừa bào sợi. Ảnh: Internet

2.2. Cách nấu chè chuối đậu xanh miền Nam

Ngoài khoai lang, người ta có thể nấu với đậu xanh. Cách nấu chè chuối miền Nam với đậu xanh nước cốt dừa chuẩn vị sẽ khiến bạn ăn mãi không ngán.

2.2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Chuối xiêm: 6-7 quả
  • Đậu xanh: 100g (bạn có thể chọn loại có vỏ hay cà vỏ tùy ý)
  • Nước cốt dừa lon: 500ml (có thể mua sẵn hoặc tự làm)
  • Đậu phộng: 100g
  • Đường trắng: 300g
  • Muối: một ít
  • Lá dứa
Nguyên liệu nấu chè chuối đậu xanh
Nguyên liệu nấu chè chuối đậu xanh. Ảnh: Internet

2.2.2. Cách nấu chè chuối đậu xanh 

Cách nấu chè chuối miền Nam với đậu xanh cũng khá tương tự như cách nấu chè chuối chưng bột báng, khoai lang. Điểm khác biệt quan trọng nhất là thay khoai lang bằng đậu xanh. Cách thực hiện như sau:

  • Chuối lột vỏ, bỏ hết các đường gân để chuối không bị chát.
  • Chuối cắt khúc hoặc cắt thành miếng vừa ăn. Ngâm với nước muối khoảng 5 phút (có thể bỏ qua bước này).
  • Ướp đường và ít muối.
  • Đậu xanh rửa sạch. Để đậu xanh nhanh mềm hơn, bạn nên ngâm trong nước lạnh khoảng 45 phút. 
  • Trong thời gian chờ, bạn lấy đậu phộng đem rang và giã làm đôi hoặc giã nhuyễn tùy theo sở thích.
  • Đổ nước cốt dừa vào nồi và cho thêm một lượng nước vừa phải. Nếu không có sẵn nước cốt dừa hoặc thích tự làm, bạn có thể tham khảo cách làm nước cốt dừa theo cách ở trên và chia làm 2 phần nước cốt nhất và nhì để nấu chè nhé.
Chè chuối nấu bằng nước dừa lon
Nếu không tự làm nước dừa, bạn dùng nước dừa lon để nấu cũng vẫn có món chè ngon như ý. Ảnh Youtube Món Ngon Mỗi Ngày
  • Sau đó cho thêm chuối và nấu thêm khoảng 10 phút. Nếu có lá dứa, bạn cắt khúc cho vào nồi để chè khi ăn sẽ thơm hơn.
  • Nêm nếm đường sao cho vừa ăn. Nấu thêm khoảng 5 phút để các nguyên liệu hòa lại và ngấm đường, ngọt đều.
  • Múc ra chén, rắc thêm một ít đậu phộng và thưởng thức.

Thành phẩm: Cách nấu chè chuối đúng chuẩn miền Nam là sau khi thành phẩm vẫn giữ độ tươi ngon của chuối, chuối không quá mềm, đậu xanh và khoai lang không bị nát. Nước cốt dừ sánh mịn hòa quyện, dậy mùi thơm phưng phức.

3. Cách chọn chuối ngon để nấu chè chuối miền Nam

Với cách nấu chè chuối miền Nam đúng chuẩn, bạn cần chọn mua loại chuối xiêm hay chuối sứ. Để nấu được món chè ngon thì khâu chọn chuối cũng rất quan trọng. Cachnau.vn bày bạn một số cách chọn chuối ngon như sau:

  • Những nải chín không đồng đều vì đây là những nải chín tự nhiên, tránh việc bị dùng hóa chất kích chín.
  • Chuối để nấu chè đẫy nhưng không nên chọn loại quá chín, mềm nhũn.
  • Chuối ngon có màu vàng sẫm, trên vỏ có những đốm màu nâu.

4. Cách bảo quản món chè chuối

Để đảm bảo vệ độ dinh dưỡng và tươi ngon thì ăn chè chuối trong ngày vẫn là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên vẫn có khi bạn nấu quá nhiều và không thể ăn hết trong một ngày thì cần phải bảo quản đúng cách để chè không bị hư, tránh bị đau bụng khi ăn qua đêm. 

Chè chuối ngon
Chè chuối ngon nhất là nên sử dụng trong ngày. Nếu bạn nấu nhiều không dùng hết hãy bảo quản đúng cách. Ảnh Youtube Món Ngon Mỗi Ngày

Bảo quản chè trong tủ lạnh là cách phổ biến nhất. Theo đó, bạn cho chè vào một hộp thủy tinh có nắp. Nên chọn những hộp bảo quản loại kín, tránh không khí vào bên trong gây hỏng chè. Sau đó đem đặt hộp thủy tinh vào ngăn mát tủ lạnh. Mặc dù bảo quản lạnh có thể kéo dài thời gian sử dụng nhưng vẫn nên ăn hết trong ngày hôm sau nhé. 

Trên đây là 2 cách nấu chè chuối miền Nam đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện được. Nam Bộ không chỉ nổi tiếng với chè chuối, còn rất nhiều loại chè trứ danh khác chắc chắn sẽ khiến bạn bị “nghiện” ngay từ lần đầu thưởng thức. Hãy thường xuyên truy cập Cachnau.vn để cập nhật nhiều món chè ngon, hấp dẫn bạn nhé. 

Thủy Nguyễn