Cách nấu chè chuối khoai mì với những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi sẽ mang đến một món ăn vừa lạ miệng, thơm ngon lại bổ dưỡng, hứa hẹn sẽ “chinh phục” bất cứ ai nếm thử. 

1. Dinh dưỡng món chè chuối khoai mì

Trước khi học cách nấu chè chuối khoai mì hãy cùng điểm qua những giá trị dinh dưỡng mà món ăn này mang lại nhé.

1.1. Chuối giàu dinh dưỡng, hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch

Chuối là nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ, nhiều vitamin và khoáng chất như kali, vitamin B6 và vitamin C. 

Dinh dưỡng trong 100g chuối có: 

  • Calo: 89
  • Nước: 75%
  • Carbohydrate: 22,8gr
  • Chất xơ: 2,6g
  • Chất đạm: 1,1g
  • Đường: 12,2g
  • Chất béo: 0,3g
  • Vitamin và các khoáng chất

Ăn chuối ở mức độ vừa phải giúp cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ hàm lượng kali dồi dào có trong chuối. 

Ngoài các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, chuối còn chứa một số chất chống oxy hóa lành mạnh như dopamine và catechin, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tinh bột đề kháng và pectin có trong chuối xanh hoạt động như prebiotic, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột.

1.2. Khoai mì giàu tinh bột đề kháng giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa

Dinh dưỡng có trong 100g khoai mì:

  • Calo: 112
  • Carbohydrate: 27g
  • Chất xơ: 1g
  • Phốt pho: 5% RDI (RDI là khẩu phần khuyến cáo hằng ngày).
  • Canxi: 2% RDI
  • Vitamin B1: 20% RDI
  • Vitamin B2: 2% RDI
Khoai mì ngâm trong nước
Nếu ăn có chừng mực, khoai mì đem lại những lợi ích sức khỏe ít ai ngờ đến – Ảnh: Internet

So với nhiều loại củ khác, khoai mì có hàm lượng calo khá cao nhưng nếu ăn ở mức độ vừa phải sẽ đem đến nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Chẳng hạn khoai mì có nhiều tinh bột đề kháng làm tăng số lượng lợi khuẩn trong ruột. Từ đó hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đồng thời có tác dụng giảm viêm. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tinh bột đề kháng này còn giúp giảm nguy cơ béo phì và mắc bệnh tiểu đường type 2. 

Bạn thấy đấy, chuối và khoai mì là thực phẩm quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam, cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và những lợi ích sức khỏe ít ai ngờ đến. Đó là lý do nhiều người rất quan tâm cách nấu chè chuối khoai mì để có thể chiêu đãi cả gia đình món tráng miệng, món ăn vặt vừa ngon lại bổ dưỡng này. 

2. Cách nấu chè chuối khoai mì nước cốt dừa thơm béo

2.1. Cách nấu chè chuối khoai mì nước cốt dừa cần chuẩn bị gì?

Với cách nấu chè chuối khoai mì nước cốt dừa thơm béo, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau:

  • Chuối sứ (chuối xiêm): 10 quả
  • Khoai mì: 500g
  • Bột khoai: 50g
  • Bột báng: 50g
  • Bột năng: 1/2 muỗng canh
  • Dừa nạo: 350g
  • Lá dứa: 2 nhánh
  • Đường: 200g (bạn có thể dùng đường thốt nốt hoặc đường phèn)
  • Đậu phộng rang: 100g
  • Muối: một ít
Nguyên liệu nấu chè chuối khoai mì
Món chè chuối khoai mì với nguyên liệu quen thuộc, tiết kiệm- Ảnh: Internet

2.2. Cách nấu chè khoai mì thơm béo, ngon như tiệm

2.2.1. Sơ chế chuối và khoai mì trước khi nấu chè chuối khoai mì

Với khoai mì:

  • Khoai mì rửa sạch và gọt vỏ. Sau đó rửa lại sạch với nước lạnh.
  • Ngâm khoai mì trong nước lạnh hoặc nước muối loãng khoảng 1-2 tiếng. Sau đó bạn vớt ra ngoài rổ để cho ráo nước.
  • Cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.

Với chuối:

  • Lột vỏ, loại bỏ những đường gân bên hông.
  • Chẻ đôi (hoặc cắt khúc) và cho tất cả vào một cái tô.
  • Ướp với 100g đường trong khoảng 30 phút. Tuy nhiên bạn có thể điều chỉnh lượng đường ít hay nhiều tùy theo khẩu vị của gia đình nhé.

2.2.1. Luộc bột khoai và bột báng

  • Bột báng và bột khoai ngâm trong nước ấm khoảng 30-40 phút. Bạn có thể ngâm 2 loại này chung với nhau. 
  • Sau khi ngâm xong, bạn đổ ra cho ráo nước. 
  • Cho bột báng và bột khoai vào nồi và cho thêm một lượng nước vừa đủ. Đun ở lửa vừa cho đến khi bột bắt đầu trong lại và nổi lên thì tắt bếp.
  • Để tránh bột bị dính với nhau, bạn vớt bột ra ngoài và ngâm ngay trong nước lạnh.
luộc bột báng và bột khoai
Bạn vớt bột ra ngoài và ngâm ngay trong nước lạnh – Ảnh: Internet

2.2.3. Cách làm nước cốt dừa khi khi nấu chè chuối khoai mì

Nước cốt dừa gần như là nguyên liệu không thể thiếu trong hầu hết các món chè, trong đó gồm cả chè chuối. Trong cách nấu chè chuối khoai mì thơm dẻo, nếu nước cốt dừa sau khi nấu trở nên sánh đặc, béo thơm là bạn đã đạt 7/10 điểm thành công rồi đó. Ngay sau đây là cách làm nước dừa:

Vắt lấy nước cốt dừa nhất và nhì:

  • Dừa nạo sau khi mua về, bạn cho thêm 400-500ml nước lạnh hoặc ấm rồi nhào thật kỹ bằng tay. Vắt lấy nước cốt nhất, lọc qua rây hoặc túi lọc. 
  • Phần bã dừa sau khi vắt, bạn cho thêm khoảng 2 chén nước ấm tiếp tục vắt để lấy phần nước cốt dừa nhì nấu chè. 

Với nước cốt nhất, bạn nấu như sau:

  • Cho thêm một ít đường, muối và khuấy đều.
  • Hòa bột năng với một ít nước lạnh.
  • Bắt nước cốt dừa lên bếp đun ở lửa vừa cho đến khi sôi thì cho phần bột năng vào khuấy đều.
  • Tiếp tục đun ở lửa nhỏ đến khi tạo thành hỗn hợp sánh mịn, sền sệt thì tắt bếp.

Không chỉ là món chè khoai mì, bạn có thể lưu lại công thức làm nước cốt dừa này khi nấu các món chè khác như chè bắp, chè đậu xanh. Tùy theo sở thích béo ít hay nhiều, bạn có thể tăng hoặc giảm lượng dừa. 

2.2.4. Cách nấu chè chuối khoai mì thơm dẻo

  • Cho phần nước cốt nhì vào nồi và bắc lên bếp đun ở lửa vừa. Thả một ít lá dứa vào để món chè sau khi thành phẩm sẽ thơm và ngon hơn.
  • Cho khoai mì, bột báng và bột khoai vào cùng lúc. Nấu trong khoảng 15 phút.
  • Sau đó cho tất cả chuối đã chuẩn bị vào nồi và đảo đều.
  • Trước khi tắt bếp, bạn đổ phần nước cốt dừa nhất vào nồi. Bạn có thể nêm thêm ít đường và tí muối sao cho vừa khẩu vị.

Sau tất cả các bước trên,bạn đã có ngay món chè chuối khoai mì thơm lừng nước cốt dừa, dẻo dẻo của khoai, ngọt bùi của chuối, dai dai của bột báng và bột khoai rồi. Đừng quên rắc thêm thêm ít đậu phộng rang sẽ tuyệt vời hơn bạn nhé!

Chè chuối khoai mì nước cốt dừa
Món chè chuối khoai mì thơm lừng nước cốt dừa, dẻo dẻo của khoai, ngọt bùi của chuối – Ảnh: Internet

3. Chè chuối khoai mì ăn nóng hay lạnh ngon hơn?

Có loại chè ăn nóng sẽ ngon hơn nhưng cũng có nhiều loại nên ăn lạnh sẽ ít ngán hơn nhưng với chè chuối khoai mì ăn nóng hay lạnh đều sẽ ngon. 

Vào những ngày hè oi bức, nhấm nháp từng muỗng chè sánh mịn nước cốt kết hợp cùng cái lành lạnh của đá bào thì ôi thôi vừa giải mát cực đã. Còn những ngày đông trời se lạnh, cắn một miếng chuối ngọt mềm, khoai mì dẻo nóng hổi thơm lừng ấm áp mới thật thỏa vị làm sao.

Còn chần chừ gì nữa mà không lưu ngay cách nấu chè chuối khoai mì để cuối tuần này mình cùng xuống bếp “trổ tài” nấu nướng nè. Cách làm đơn giản, nguyên liệu lại tiết kiệm. Thật tiếc nếu như món tráng miệng bổ dưỡng và thơm ngon thế này lại không nằm trong thực đơn ăn uống mỗi tuần của bạn!

Thủy Nguyễn