Bật mí cách nấu phở gà miền Nam ngon tuyệt hảo quên lối về
Cách nấu phở gà miền Nam có nhiều nét khá tương đồng với những công thức chế biển phở gà ở các miền khác. Đặc trưng của phở gà miền Bắc là có vị ngọt thanh tự nhiên, khi ăn cho thêm một ít tương đen để ngon đậm vị hơn. Còn đối với phở gà miền Nam sẽ có vị ngọt đậm hơn. Khi thưởng thức ăn kèm với nhiều loại rau sống khác nhau. Mỗi vùng miền đều có những cách riêng của mình để nấu và thưởng thức phở. Và, ở bài viết ngày hôm nay, Cachnau.vn sẽ chia sẻ cùng bạn đọc cách chế biến phở gà miền Nam chuẩn vị nhất. Theo dõi để nấu thử bạn nhé.
1. Bí quyết chọn mua nguyên liệu ngon để nấu phở gà chuẩn
- Bí quyết chọn mua thịt gà tươi ngon để nấu phở gà đúng chuẩn miền Nam, là chọn những con gà có da màu vàng óng, không bị sẫm màu hay xuất hiện các vết thâm lạ trên da.
- Chọn những con có thịt màu đỏ hồng tươi, không bị xuất hiện vết màu bầm. Khi ấn tay vào sẽ thấy thịt mềm, có độ đàn hồi nhẹ. Lưu ý không mua thịt gà đã xuất hiện dấu hiệu chảy nhớt và bị nhũn khi ấn vào.
- Bên cạnh đó, mọi người cũng nên lưu ý về cân nặng và kích thước của gà. Không được chênh lệch quá lớn. Vì nếu gà có kích thước nhỏ, nhưng ký nặng thì rất có thể gà này đã bị bơm nước. Mua về nấu thịt sẽ không ngon và vị phở không đúng chuẩn.
2. Cách nấu phở gà miền Nam ngon tuyệt hảo
Món phở gà miền Nam có khâu chuẩn bị nguyên liệu khá đơn giản, chỉ với những thành phần dân giã như: gà, hành tây, gừng, hành tím, gia vị phở và các loại rau sống. Cùng những bước chế biến khéo léo, bạn sẽ có ngay cho mình một tô phở tròn vị nhất. Dưới đây là những nguyên liệu cần thiết để nấu phở gà. Cụ thể:
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu cần thiết
- Gà ta ngon: 1kg
- Hành tây: 1 củ
- Gừng: 1 củ
- Bánh phở
- Hành tím
- Gói gia vị gồm: đinh hương, hoa hồi, thảo quả, lá hán, quế
- Rau thơm, giá đỗ
- Lá chanh, hành lá
- Các loại gia vị thông dụng
- Các dụng cụ cần thiết khác
2.2. Cách nấu phở gà miền Nam ngon, đơn giản
Bước 1: Sơ chế thịt gà
- Nguyên liệu đã được chuẩn bị xong, các bạn tiến hành sơ chế thịt gà trước. Nếu mua gà còn sống thì đầu tiên cần cắt cổ gà, nấu nước sôi chần sơ rồi nhổ sạch lông. Tiếp đến mổ bụng làm nội tạng gà, giữ lại gan, mề gà còn lại các bạn có thể bỏ đi.
- Nội tạng gà sau khi làm sạch, bạn chà xát lại với muối hạt để khử mùi hôi và loại bỏ những chất bẩn còn sót lại.
- Tương tự như nội tạng, thịt gà cũng dùng muối và gừng xát lên bề mặt gà từ trong ra ngoài. Sau đó để ướp khoảng 5 phút rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch và để ráo nước.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Bạn chuẩn bị bếp than rồi cho hành tây, hành tím, gừng lên nướng chín. Lưu ý phải trở thường xuyên để nguyên liệu chín đều và không bị cháy nhé. Nướng xong thì bóc lớp vỏ bên ngoài bỏ đi.
- Các loại gia vị gồm đinh hương, hoa hồi, thảo quả, la hán, quế đem tất cả cho vào chảo và rang trên lửa nhỏ. Đảo đều tay đến khi nào nguyên liệu dậy mùi thơm thì tắt bếp. Cho toàn bộ nguyên liệu trên vào túi vải, buộc chặt phần miệng túi lại.
- Giá đỗ bạn nhặt những vỏ hạt đậu còn xót lại rồi rửa sạch, để ráo nước. Rau thơm nhặt lá rửa sạch. Lá chanh và hành lá rửa sạch, thái thật nhỏ và để riêng.
Bước 3: Luộc thịt gà
- Chuẩn bị một cái nồi vừa, cho gà vào bên trong, đổ ngập nước. Thêm gừng, hành tím, hành tây đã nướng cùng 1 thìa cà phê bột canh vào nồi, bật lửa lớn đun sôi.
- Sau khi nước sôi bạn mở vun, hạ lửa nhỏ xuống và tiếp tục luộc đến khi nào thịt gà chín đều là được. Thời gian luộc gà khoảng 20 phút. Lưu ý trong quá trình nấu thường xuyên vớt bỏ bọt trắng để nước dùng ngon và trong hơn. Không luộc gà quá lâu sẽ làm mất độ dai ngon nhé.
- Sau 20 phút thịt gà đã chín đều, tiến hành vớt thịt gà ra, để nguội. Thịt đã nguội bớt, bạn hãy tách phần thịt gà ra khỏi xương và xé thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Bước 4: Nấu nước dùng phở gà miền Nam
- Phần xương gà còn lại chúng ta sẽ đem đi nấu nước dùng phở. Tiếp tục nước luộc gà ban nãy, bạn cho phần xương vào lại. Nếu nước quá ít thì có thể đổ thêm sao cho vừa đủ ăn.
- Sau khi xong bạn bắt lên bếp, bật lửa lớn đun sôi rồi hạ nhỏ lửa xuống tiến hành ninh. Thời gian ninh khoảng 40 phút cho xương gà ra độ ngọt đậm đà.
- Thời gian hầm xương gà đã đủ, bạn cho phần túi gia vị gồm: đinh hương, hoa hồi, thảo quả, la hán, quế đã buộc chặt vào nồi. Nấu thêm khoảng 5 phút – 10 phút nữa.
- Tiếp đến, nêm nếm gia vị gồm muối, đường, hạt nêm, bột ngọt sao cho vừa ăn. Nấu sôi lên khoảng 2 phút nữa thì tắt bếp.
Bước 5: Hoàn thành cách nấu phở gà miền Nam
- Chuẩn bị nồi nước sôi, lấy một lượng bánh phở vừa đủ, cho vào nồi trụng sơ rồi bày ra bát. Thêm thịt gà xé cùng rau thơm, lá chanh thái nhỏ, hành lá, giá đỗ lên trên. Cuối cùng là chan nước dùng xấp mặt phở là được.
- Nếu thích ăn cay bạn có thể cho thêm tương ớt, sa tế hoặc vài lát ớt tươi vào để kích thích vị giác. Hãy tranh thủ ăn ngay lúc phở còn nóng để cảm nhận được hương vị thơm ngon nhất nhé.
3. Mẹo khử mùi hôi đặc trưng của thịt gà cho những ai chưa biết
- Gà khi sơ chế để nhặt sạch lông, các bạn có thể chần sơ với nước sôi nấu lá khế khoảng từ 3 phút – 5 phút. Sau khi xong, tiến hành nhổ lông mạnh tay là sẽ ra. Nhổ xong rửa lại nhiều lần với nước sạch là được.
- Ngoài lá khế, bạn cũng có thể chần sơ gà với nước sôi nấu cùng lá đu đủ vò nát khoảng từ 3 phút – 5 phút.
- Để khử bớt mùi hôi đặc trưng của thịt gà, mọi người hãy sử dụng giấm ăn đem pha với muối. Sau đó dùng gừng chà xát lên bề mặt thịt gà tầm 5 phút rồi rửa lại với nước nhiều lần.
- Hoặc cách khác là sử dụng nước cốt chanh hòa cùng muối đem xát lên trên bề mặt thịt gà tương tự như trên rồi rửa sạch lại với nước, mùi hôi sẽ được khử bớt.
Như vậy, chúng ta đã hoàn thành xong cách nấu phở gà miền Nam rồi đấy, không khác nhiều so với phở gà miền Bắc đúng không nào. Mặc dù có hơi cầu kỳ và mất thời gian một chút, nhưng đổi lại thành phẩm nhận được sẽ rất xứng đáng. Với phở gà miền Nam không những hương vị phải chuẩn mà một đĩa rau sống ăn kèm cũng là điều không thể thiếu. Vậy nên, mọi người nhớ chuẩn bị thật đầy đủ để cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món phở gà nhé.
Diễm Diễm
Cách nấu phở gà miền Nam
Thành phần
- Gà ta ngon: 1kg
- Hành tây: 1 củ
- Gừng: 1 củ
- Bánh phở
- Hành tím
- Gói gia vị gồm: đinh hương, hoa hồi, thảo quả, lá hán, quế
- Rau thơm, giá đỗ
- Lá chanh, hành lá
- Các loại gia vị thông dụng
- Các dụng cụ cần thiết khác